Trong một số trường hợp đặc biệt tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử. Vậy trình tự thực hiện ngừng sử dụng hóa đơn điện tử như nào?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Trường hợp nào phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử?
Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh phải ngưng sử dụng hóa đơn điện tử có mã và không có mã của Cơ quan thuế trong các trường hợp sau:
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh chính thức chấm dứt hiệu lực MST.
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hoặc hộ cá nhân kinh doanh bị Cơ quan thuế xác minh và thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh tạm ngừng kinh doanh.
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh nhận được thông báo của Cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện cưỡng chế nợ thuế.
– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử để bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo với Cơ quan thuế.
– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh lập hóa đơn điện tử để bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân, và bị Cơ quan chức năng phát hiện, thông báo cho Cơ quan thuế.
– Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh khi phát hiện doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh theo pháp luật.
Dựa trên kết quả thanh kiểm tra, nếu Cơ quan thuế xác định doanh nghiệp được thành lập để mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp thì sẽ ban hành quyết định ngừng sử dụng hóa đơn điện tử , cùng với đó, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trình tự thực hiện ngừng sử dụng hóa đơn điện tử
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử được thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi thông báo đến người nộp thuế đề nghị giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử nếu người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có hành vi sử dụng hóa đơn điện tử để bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
– Có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân khác;
– Bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi không có đủ điều kiện kinh doanh.
Bước 2: Người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế ra thông báo. Người nộp thuế có thể đến cơ quan thuế giải trình trực tiếp hoặc bổ sung thông tin, tài liệu hoặc bằng văn bản.
Bước 3: Người nộp thuế tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử; giải trình bổ sung hoặc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử, cụ thể:
– Tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử nếu người nộp thuế đã giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu đầy đủ và chứng minh được việc sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định pháp luật.
– Tiếp tục bổ sung thông tin, tài liệu nếu thông tin tài liệu mà người nộp thuế đã giải trình không chứng minh được việc sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định pháp luật. Thời hạn bổ sung là 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế ra thông báo.
– Ngừng sử dụng hóa đơn điện tử nếu hết thời hạn theo thông báo mà người nộp thuế không giải thích, bổ sung thông tin, tài liệu.
3. Khi nào Cơ quan Nhà nước lập thông báo ngừng sử dụng hóa đơn
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 34, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm lập Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn kèm thông báo ngừng sử dụng hóa đơn trong trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Trong đó, nội dung thông báo bao gồm:
- Căn cứ ra thông báo.
- Tên, địa chỉ, MST của người nộp thuế bị cưỡng chế.
- Lý do ngưng sử dụng hóa đơn.
- Ký hiệu, số hóa đơn, ngày ngưng sử dụng hóa đơn.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 34, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thủ tục cưỡng chế ngưng sử dụng hóa đơn như sau:
– Cơ quan thuế đăng tải quyết định cưỡng chế, thông báo ngừng sử dụng hóa đơn lên trang thông tin điện tử ngành thuế trong vòng 24h kể từ khi ban hành quyết định cưỡng chế.
– Trong thời gian này, Cơ quan thuế không tiếp nhận hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn điện tử của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế, không cấp mã với hóa đơn điện tử có mã, không cấp hóa đơn, bán hóa đơn cho người nộp thuế đang bị cưỡng chế (trừ một số trường hợp đặc biệt)
– Cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt biện pháp cưỡng chế kèm theo thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn. Cùng với đó, Cơ quan thuế sẽ đăng tải trên trang thông tin điện tử ngành thuế, hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về quyết định chấm dứt biện pháp cưỡng chế.
– Trường hợp người nộp thuế đang bị cưỡng chế ngưng sử dụng hóa đơn mà đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn tiền đảm bảo duy trì hoạt động thì: Cơ quan thuế tiếp tục cho sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện nộp ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách Nhà nước.