Các khoản giảm trừ doanh thu theo thông tư 200 gồm những khoản nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Các khoản giảm trừ doanh thu là gì?
Căn cứ theo Điều 81 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về khái niệm các khoản giảm trừ doanh thu như sau:
Các khoản giảm trừ doanh thu là toàn bộ khoản tiền được điều chỉnh giảm trừ vào doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ phát sinh trong kỳ và được ghi nhận vào TK 521. Tài khoản này không phản ánh các khoản thuế được giảm trừ vào doanh thu như thuế GTGT đầu ra phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp.
Việc hạch toán và điều chỉnh các khoản giảm trừ doanh thu cần tuân thủ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Doanh nghiệp cần lưu ý ghi chép đầy đủ, chính xác các chứng từ liên quan đến các khoản giảm trừ để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
2. Phân loại các khoản giảm trừ doanh thu
Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm 3 loại là: Chiết khấu thương mại, Giảm giá hàng bán và Hàng bán bị trả lại.
-Chiết khấu thương mại: Là khoản giảm giá mà doanh nghiệp bán cho khách hàng khi họ mua hàng với số lượng lớn. Chiết khấu thương mại được xem như một công cụ khuyến khích khách hàng mua hàng với số lượng lớn, từ đó giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và cải thiện dòng tiền hiệu quả.
-Giảm giá hàng bán: Đây là khoản giảm trừ do sản phẩm, hàng hóa bị hư hỏng, lỗi thời hoặc không đúng chất lượng theo cam kết. Việc giảm giá hàng bán là nhằm mục đích bán được những sản phẩm tồn kho, giảm thiểu tổn thất cho doanh nghiệp.
-Hàng bán bị trả lại: Là khoản tiền hoàn lại cho khách hàng khi họ trả lại hàng hóa đã mua do các lý do như: không ưng ý, sản phẩm bị lỗi, vi phạm hợp đồng,… Doanh nghiệp cần có chính sách đổi trả hàng hóa hợp lý để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và giữ gìn uy tín của thương hiệu.
3. Cách hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu theo thông tư 200
3.1 Hạch toán các khoản chiết khấu thương mại
– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
Nợ TK 5211: CKTM cho khách hàng hưởng.
Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm.
Có TK 111, TK 112, TK 131: Tổng giá trị chiết khấu cho khách.
– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:
Nợ TK 5211: CKTM cho khách hàng hưởng.
Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị chiết khấu cho khách.
3.2 Hạch toán các khoản giảm giá hàng bán phát sinh trong kỳ
– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
Nợ TK 5213: giá trị hàng giảm cho khách hàng.
Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm.
Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị hàng giảm cho khách hàng
– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:
Nợ TK 5213: giá trị hàng giảm cho khách hàng.
Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị giảm cho khách hàng.
3.3 Hạch toán khoản hàng đã bán mà khách hàng trả lại
3.3.1 Phản ánh khoản doanh thu của hàng bán bị trả lại
– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
Nợ TK 5212: doanh thu của số hàng bị trả lại ghi nhận giảm.
Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm.
Có TK 111, 112, 131: Tổng doanh thu bao gồm cả thuế ghi nhận giảm.
– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:
Nợ TK 5212: doanh thu của số hàng bị trả lại ghi nhận giảm.
Có TK 111, 112, 131: Tổng doanh thu bao gồm cả thuế ghi nhận giảm
3.3.2 Phản ánh giá trị hàng nhập lại kho và ghi giảm giá vốn của hàng nhập lại kho
Nợ TK 156: giá trị hàng bị trả lại nhập kho.
Có TK 632: giá vốn hàng bị trả lại ghi nhận giảm.
3.4 Bút toán kết chuyển cuối kỳ khoản giảm trừ doanh thu bán hàng
Cuối kỳ kế toán, kế toán thực hiện bút toán kết chuyển các khoản giảm trừ trên doanh thu cho người mua hàng ở các bút toán 3.1, 3.2 và 3.3 sang bên Nợ TK 511 để tính doanh thu thuần.
Nợ TK 511: Các khoản giảm trừ làm doanh thu giảm.
Có TK 5211: CKTM làm doanh thu giảm.
Có TK 5213: GGHB làm doanh thu giảm.
Có TK 5212: HBBTL làm doanh thu giảm.