Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, hóa đơn điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc lập bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử giúp đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng hạn, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết cho quá trình quản lý, kiểm soát thuế. Vậy khi nào phải lập bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử?
Cùng tìm hiểu chi tiết hơn tại bài viết dưới đây:
1. Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử là gì?
Căn cứ điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử là bảng tổng hợp các thông tin về hóa đơn điện tử đã xuất trong một kỳ, được lập theo mẫu quy định và gửi đến cơ quan thuế.
Đây là phương thức chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã lập đến cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử áp dụng đối với các trường hợp:
(i) Cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực: bưu chính viễn thông, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, vận tải hàng không, chứng khoán.
(ii) Bán hàng hóa là điện, nước sạch nếu có thông tin về mã khách hàng hoặc mã số thuế của khách hàng.
2. Khi nào phải lập bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử?
Căn cứ điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, quy định về việc lập bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử như sau:
(i) Người bán lập Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử hàng hóa, cung cấp dịch vụ phát sinh trong tháng hoặc quý (tính từ ngày đầu của tháng, quý đến ngày cuối cùng của tháng hoặc quý).
(ii) Thời gian gửi bảng tổng hợp hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế cùng với thời gian gửi Tờ khai thuế giá trị gia tăng.
(iii) Trường hợp phát sinh số lượng hóa đơn lớn thì bảng tổng hợp sẽ được tách theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế.
(iv) Đối với hóa đơn gửi theo bảng tổng hợp thì người bán gửi thông tin hủy, điều chỉnh trực tiếp trên bảng tổng hợp của các kỳ tiếp theo mà không gửi thông báo hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế.
(v) Các hóa đơn được lập cho tổng doanh thu của người mua là cá nhân không kinh doanh phát sinh trong ngày hoặc tháng theo bảng kê chi tiết thì người bán chỉ gửi dữ liệu hóa đơn điện tử (không kèm bảng kê chi tiết) đến cơ quan thuế.
(vi) Đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày.
Tóm lại, thời gian lập và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử 2024 là cùng với thời gian gửi Tờ khai thuế giá trị gia tăng. Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu thì bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử được tổng hợp và chuyển đến cơ quan thuế ngay trong ngày.
3. Hướng dẫn lập và gửi bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử
Căn cứ theo Điểm 3, Điều 22, Nghị định 123/2020/NĐ-CP hướng dẫn chuyển dữ liệu điện tử đến cơ quan thuế, doanh nghiệp chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử cần lưu ý những vấn đề dưới đây:
3.1. Phương thức gửi bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử
Phương thức gửi Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo Mẫu số 01/TH-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định này, thời hạn nộp cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực: Tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, vận tải hàng không, chứng khoán.
- Bán hàng hóa là điện, nước sạch nếu có thông tin về mã khách hàng hoặc mã số thuế của khách hàng.
- Đối với trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ ngoài các lĩnh vực nêu trên: Người bán lập đầy đủ các nội dung trên hóa đơn cho người mua và đồng thời gửi hóa đơn cho cơ quan thuế.
3.2 Hình thức gửi bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử
Hình thức gửi trực tiếp áp dụng đối với:
– Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng định dạng chuẩn dữ liệu và quy định tại Khoản 4, Điều 12, Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có tổ chức mô hình theo hình thức Công ty mẹ – con, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu hóa đơn tập trung tại Công ty mẹ và có nhu cầu chuyển toàn bộ dữ liệu hóa đơn điện tử bao gồm cả dữ liệu của Công ty mẹ và các công ty con đến cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì gửi kèm theo danh sách công ty con đến Tổng cục Thuế để thực hiện kết nối kỹ thuật.
3.3 Hình thức gửi thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử
Ngoài các trường hợp thuộc 2 đối tượng nêu trên, các trường hợp còn lại thực hiện ký hợp đồng với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử. Căn cứ theo hợp đồng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử sau đó tổ chức này gửi tiếp đến cơ quan thuế.
3.4 Mẫu bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử
Như đã nêu ở trên, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử sử dụng Mẫu số 01/TH-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP:
Doanh nghiệp có thể tải bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử mẫu 01/TH-HĐĐT
Lưu ý khi điền bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử:
- Đối với trường hợp hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ nội dung theo Khoản 4, Điều 10, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán bỏ trống các chỉ tiêu không có trên hóa đơn.
- Chỉ tiêu [01]: Điền thời gian của kỳ tính thuế theo tháng/quý của năm
- Chỉ tiêu số [02], [03], [04]: Điền số lần sửa đổi hoặc bổ sung Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử.
- Mục số [05]: Điền tên người, tổ chức nộp thuế (doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh)
- Chỉ tiêu [06]: Trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân kinh doanh thì điền mã số người bán, nếu người mua là cá nhân tiêu dùng thì không cần điền. Nếu người mua điện, nước không có mã số thuế thì điền mã khách hàng.
Nguồn: Internet