Tổng cục thuế giải đáp một số thắc mắc về Hóa đơn điện tử
ĐĂNG NGÀY 8/5/2021 10:27:01 AM

📢 Nhằm giúp doanh nghiệp và kế toán sử dụng hiệu quả hóa đơn điện tử, bài viết này đã tổng hợp lại một số vướng mắc đã được Tổng cục Thuế đã giải đáp. Mời các bạn cùng đón xem trong bài viết nhé!

Câu 1: Hóa đơn điện tử có thể sử dụng đồng thời cả tiếng Việt và tiếng Anh không?

👉 Có. Theo quy định tại Điểm d1 Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn như sau: Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì sẽ đặt ở bên phải, trong ngoặc đơn hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.

Câu 2: Công ty tôi là nhà phân phối, một ngày giao hàng nhiều lần cho cùng 1 đại lý, vậy tôi có thể xuất hóa đơn 1 lần vào cuối ngày được không?

👉 Không. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

Câu 3: Chứng từ giấy có được dùng để giao dịch thay cho hóa đơn điện tử không?

👉 Không. Theo Khoản 2,3 Điều 10 Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Hóa đơn điện tử được chuyển đổi sang chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ theo quy định của pháp luật về kế toán, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế theo quy định tại Nghị định này. Hóa đơn điện tử chuyển thành chứng từ giấy phải đảm bảo khớp đúng nội dung.

Câu 4: Xuất hóa đơn điện tử thế nào khi: Người mua không lấy hóa đơn? Thời điểm chốt người mua không lấy hóa đơn là 24h? Ngày phát sinh giao dịch vào cuối tuần, nghỉ lễ, Tết?

👉 Căn cứ Điều 16, Thông tư 32/2014/TT-BTC: Ngày lập hóa đơn và bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu hay chưa thu tiền.

Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26 sửa đổi bổ sung cho Điều 16, Thông tư 32/2014/TT-BTC cũng chỉ rõ: Trường hợp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000đ trở lên, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ "Người mua không lấy hóa đơn" hoặc "Người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế". Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung 1 hóa đơn cho tổng doanh thu trong ngày.

Câu 5: Những trường hợp được Tổng cục Thuế cung cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế không thu tiền.

👉 Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ có 5 trường hợp được Tổng cục Thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền bao gồm:

✔️ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

✔️ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật. Hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp quy định tại Khoản a điều này) trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp.

✔️ Hộ, cá nhân kinh doanh. Riêng hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này trong thời gian 12 tháng kể từ tháng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định này.

✔️ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

✔️ Các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử do Bộ Tài chính quyết định.

👉 Tuy nhiên, với những trường hợp đặc thù cụ thể Doanh nghiệp nên xin hướng dẫn từ Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể và chính xác nhất nhé!