Hóa Đơn Điện Tử In Ra Giấy Có Hợp Lệ Không?
ĐĂNG NGÀY 11/30/2023 9:30:33 AM

Hóa đơn điện tử đã trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến trong thế giới kinh doanh hiện đại. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới môi trường số. Tuy nhiên, với việc in hóa đơn điện tử ra giấy, một câu hỏi đặt ra là liệu hóa đơn điện tử in ra giấy có hợp lệ không?

Hãy cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này ở bài viết dưới đây nhé:

1. Hóa đơn điện tử là gì?

Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 có thể hiểu hóa đơn điện tử như sau:

Hóa đơn điện tử (HĐĐT) là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Hóa đơn điện tử có thể có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế, trong đó:

  • HĐĐT có mã của cơ quan thuế là HĐĐT được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
  • HĐĐT không có mã của cơ quan thuế là HĐĐT do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

Hiện nay, việc sử dụng hóa đơn điện tử đóng vai trò quan trọng trong mỗi đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.Theo đó đảm bảo mua bán hàng hóa được nhanh chóng, thuận lợi, hạch toán và kê khai thuế dễ dàng.

2. Hóa đơn điện tử in ra giấy có hợp lệ không?

Hóa đơn điện tử in ra giấy có hợp lệ nếu đáp ứng đủ các quy định tại Điều 12 Thông tư 32/2011/TT-BTC. Hóa đơn giấy chuyển đổi từ hóa đơn điện tử được tính là hợp lệ nếu đáp ứng đủ các điều kiện:

  • Phản ánh toàn vẹn nội dung của hóa đơn điện tử gốc;
  • Có ký hiệu riêng để xác nhận đã được chuyển đối từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy;
  • Có họ tên, chữ ký và dấu mộc đỏ của người thực hiện chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy.
  • Duy nhất một bản chứng từ giấy chuyển đổi từ hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý. Đối với các bản sao khác thì chỉ phục vụ cho việc đọc hoặc lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế toán và không có giá trị pháp lý trong thanh toán hay giao dịch.

3. Hóa đơn điện tử có bắt buộc in ra theo quy định mới hay không?

Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ như sau:

Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.

Theo Điều 7 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy như sau:

  1. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ giấy khi có yêu cầu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và điều tra.
  2. Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử và hóa đơn, chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.
  3. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ giấy thì hóa đơn, chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định này.

Theo đó, hoá đơn điện tử không bắt buộc phải in ra bằng giấy mà chỉ bắt buộc hóa đơn điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và điều tra.