Để có một kỳ nghỉ Tết Dương Lịch 2021 trọn vẹn, kế toán nhất định phải nắm chắc những công việc cần làm trước và sau nghỉ lễ dưới đây.
1. Nộp thang lương, bảng lương
- Nơi nộp: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.
- Đối tượng thực hiện: Doanh nghiệp xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương.
Ngày 01/01/2020, Nghị định 90/2019/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng có hiệu lực. Đối với doanh nghiệp đang sử dụng bảng lương mà mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 90 thì phải xây dựng thang, bảng lương bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo khoản 6 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP, khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.
2. Thông báo tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (nếu có)
- Đối tượng thực hiện: Doanh nghiệp có mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP hoặc doanh nghiệp tự tăng mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 của Quy trình thu bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Theo đó, đối với doanh nghiệp có mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì phải thông báo tăng mức tiền lương đóng bảo hiểm ngay khi Nghị định 90 có hiệu lực thi hành.
3. Báo cáo tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp 2020
- Thời hạn: Trước ngày 15/01/2021.
- Công việc: Người sử dụng lao động báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2020.
4. Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân
4.1. Đối tượng khai theo tháng
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 20/01/2021.
- Công việc: Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 12/2020 (nếu có).
4.2. Đối tượng khai theo quý
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 30/01/2021.
- Công việc: Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân quý IV/2020 (nếu có)
5. Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng
5.1. Đối tượng khai theo tháng
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 20/01/2021.
- Công việc: Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng 12/2020.
5.2. Đối tượng khai theo quý
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 30/01/2021.
- Công việc: Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng quý IV/2020
6. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
6.1. Đối tượng báo cáo theo tháng
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 20/01/2021.
- Công việc: Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tháng 12/2020.
6.2. Đối tượng báo cáo theo quý
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 30/01/2021.
- Công việc: Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý IV/2020
7. Nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý IV/2020
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 30/01/2021.
8. Kê khai và nộp lệ phí môn bài năm 2021
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 30/01/2021.
9. Báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 30/01/2021.
10. Nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN tháng 01/2021
- Thời hạn: Hạn cuối là ngày 31/01/2021.
11. Nộp kinh phí Công đoàn tháng 01/2021
Thời hạn: Hạn cuối là 31/01/2021.
Lưu ý: Doanh nghiệp đã có hay chưa thành lập Công đoàn cơ sở vẫn phải nộp kinh phí công đoàn.
Trên là 11 công việc kế toán cần làm trước và sau nghỉ Tết Dương lịch 2021 mà kế toán cần nắm rõ để tránh những thiếu sót không đáng có.