Những chính sách mới có hiệu lực từ năm 2019 cần chú ý
ĐĂNG NGÀY 2/25/2019 7:06:37 PM

Tăng lương tối thiểu vùng từ 01/01/2019

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Cụ thể như sau:

  • Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng (năm 2018 là 3.980.000 đồng/tháng);
  • Vùng II: 3.710.000 đồng/tháng (năm 2018 là 3.530.000 đồng/tháng);
  • Vùng III: 3.250.000 đồng/tháng (năm 2018 là 3.090.000 đồng/tháng);
  • Vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng (năm 2018 là 2.760.000 đồng/tháng).

Từ sự điều chỉnh này, có thể thấy mức lương tối thiểu vùng năm 2019 cao hơn mức lương năm 2018 khoảng 160.000 đến 200.000 đồng/tháng.

Luật An ninh mạng có hiệu lực

Luật An ninh mạng gồm 7 chương với 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; đồng thời Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2019,

Theo đó, cá nhân nào có hành vi vi phạm quy định của Luật An ninh mạng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc bồi thường theo quy định của pháp luật áp dụng nếu để xảy ra thiệt hại.

Theo các chuyên gia, khi Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực sẽ tạo nên sự bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên Internet.​ Bởi vậy, không có chuyện Facebook hay Google bị cấm tại Việt Nam như nhiều người đã lo ngại trước đấy.

Từ 2019, không xử lý đơn tố cáo nặc danh

Luật Tố cáo 2018 có 9 chương và 67 điều với một số điểm mới đáng chú ý (thay thế cho Luật Tố cáo 2011) chính thức có hiệu lực bắt đầu từ 01/01/2019.

Cụ thể, Khoản 3 Điều 24 quy định tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Với trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết và được gửi đồng thời cho nhiều nơi (trong đó gồm cả tổ chức) thì cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến nơi không có thẩm quyền giải quyết thì nơi nhận được tố cáo có quyền không xử lý.

Tương tự khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý (theo quy định tại Khoản 1 Điều 25).

Tuy nhiên, nếu thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Thuế môi trường với xăng, dầu điều chỉnh tăng từ 01/01/2019

Ngày 01/01/2019 cũng ghi nhận thêm một quyết định quan trọng có hiệu lực, đó là Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số nhóm hàng hóa được quy định cụ thể như sau: Xăng, trừ etanol: 4.000 đồng/lít; Dầu diesel: 2.000 đồng/lít; Túi ni lông thuộc diện chịu thuế: 50.000 đồng/kg; Than nâu: 15.000 đồng/tấn …

Bên cạnh đó, thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như: Than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nylon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng, cũng được Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 điều chỉnh.

                                                                                                                                                                          Nguồn: Tạp chí tài chính